Dấu hiệu đau dây thần kinh liên sườn cần lưu ý
Dấu hiệu đau dây thần kinh liên sườn cần lưu ý
Đau dây thần kinh liên sườn rất dễ xảy ra ở người trưởng thành, nhất là người cao tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, làm giảm khả năng lao động, gây phiền toái trong sinh hoạt thường ngày, thậm chí làm tuổi thọ của người bệnh. Nắm được những dấu hiệu đau dây thần kinh liên sườn sẽ giúp sớm phát hiện bệnh và kịp thời điều trị.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn?
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn khác nhau và không rõ ràng như nhiều bệnh lý khác, đo dó, việc chẩn đoán bệnh gặp không ít khó khăn. Đau dây thần kinh liên sườn được chia làm hai loại là: tiên phát và thứ phát.
Trong đó, tiên phát là tình trạng xảy ra khi vận động sai tư thế, gặp lạnh hoặc vươn quá tầm; thứ phát là hậu quả do một bệnh nào đó gây ra (ví dụ như bệnh thoái hóa cột sống lưng (D1 – D12)), nhiễm trùng, u ngoài tủy, u rễ thần kinh, lao phổi, ung thư cột sống…
Ngoài ra, viêm đa rễ thần kinh, rối loạn chuyển hóa, sức đề kháng kém hoặc tác dụng phụ của thuốc kháng viêm corticoid hay nhiễm độc kim loại… cũng có thể gây nên tình trạng đau dây thần kinh liên sườn.
Dấu hiệu đau dây thần kinh liên sườn
Những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện thành từng đợt chạy dọc theo mạn sườn (vùng liên sống – bả vai hoặc vùng cạnh sống) là biểu hiện đau dây thần kinh liên sườn đặc trưng. Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên, lan theo khoang liên sườn ra phía trước ngực, mũi xương ức, khu trú rõ.
Bệnh nhân thường phải chịu đựng tình trạng đau âm ỉ, kéo dài cả ngày lẫn đêm và nghiêm trọng hơn khi thay đổi tư thể, hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi. Bên cạnh đó, hiện tượng đau ở vùng lưng và ngực do đau dây thần kinh liền sườn thường bị nhầm lẫn với bệnh phổi hoặc bệnh tim.
Trường hợp đau dây thần kinh liên sườn do ung thư hoặc lao cột sống thì cơn đau thường khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương, đau liên tục suốt ngày đêm, tăng lên khi vận động, hít thở sâu, thay đổi tư thế; cảm giác đau nhói cả hai bên sườn, đôi khi đau như bó chặt lấy bụng hoặc ngực.
Trường hợp nhiễm khuẩn thì ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thường bị đau rát một mảng sườn, sau đó vài ngày da có hiện tượng đỏ, mụn nước xuất hiện, dần lan rộng. Bệnh nhân có cảm giác đau rát kèm ngừa như bị bỏng, sợ phải đụng chạm hay tiếp xúc với quần áo. Ngoài ra, có thể có triệu chứng mệt mỏi, sốt, tổn thương khô và bong vảy sau khoảng một tuần, để lại sẹo.
Để xác định tình trạng bệnh và nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn, cần xét nghiệm, chụp X-quang cột sống lưng, tim, phổi, hoặc chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ cột sống lưng…