Những điều mà Sinh viên Ngành Y cần chuẩn bị tâm lý
Những điều mà Sinh viên Ngành Y cần chuẩn bị tâm lý
Thời gian học Y khoa rất dài, học đại học Y khoa 6 năm liên tục và dường như không có ngày nghỉ kể cả dịp hè và Tết, sau đó tiếp tục học chuyên khoa 2 năm, rồi mới nghiên cứu sinh 5 năm nữa, sau đó mới gọi là bắt đầu hành nghề Y khoa. Có lẽ những người từng được nhận bằng bác sĩ đều cảm thấy đó là quá trình thật sự không dễ dàng chút nào.
Học Y khoa là cả quá trình dài dằng dặc
Số bài học quá nhiều ở tất cả các học phần, các bài học cứ dài dằng dặc, nhìn chỉ thấy toàn chữ là chữ, rồi các cuốn sách giáo khoa dày tới hàng nghìn trang, cùng với các hình vẽ giải phẫu quá phức tạp khó có thể nhớ hết được, các tên thuốc thì rất giống nhau, trong khi các cây thuốc vô cùng dễ lẫn với nhau, các chất có trong cơ thể thì không thể nhớ hết nổi… Thế là sinh viên Y khoa cứ mài mông suốt ngày trên giảng đường, rồi lại thư viện.
Đã học y khoa là học đi đôi với thực hành, những buổi thực tập, rồi kiến tập luôn gắn liền với sinh viên y khoa, hai năm đầu chỉ học lý thuyết thôi đã thấy lồi mắt ra rồi, đến năm thứ 2 bắt đầu đi thực tập bệnh viện và kéo dài cho đến lúc ra trường còn vất vả hơn nữa.
Nhiều môn học cơ sở như giải phẫu, vi sinh y học, mô học, sinh hóa, dược lý học, sinh lý học, sinh lý bệnh học, giải phẫu bệnh học, phôi thai học, sinh học, và lý sinh y học… thường là cứ học lý thuyết sáng, tới chiều lại tiếp tục lên phòng thí nghiệm thực hành, không ngừng nghỉ. Chỉ cần nghỉ một buổi là mất kiến thức, bởi vì mỗi bài thực tập như vậy, nhà trường phải tốn nhiều hóa chất, tốn động vật, các mẫu bệnh phẩm, rồi những nhân viên chuẩn bị… chi phí rất tốn kém, nên rất khó tổ chức một buổi khác chỉ để cho một sinh viên học lại. Học những môn này cực kỳ quan trọng vì đây đều là cơ sở để hiểu về con người, hiểu về bệnh con người, nếu như thiếu đi những kiến thức này sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ!
Học ngành Y thú vị nhất và cũng vất vả nhất là khi thực tập lâm sàng
Đến khi học các môn chuyên lâm sàng, chính là những môn chữa bệnh, thường thì những học phần này học rất thú vị thu hút sinh viên nhất, nhưng cũng rất khó và tốn nhiều công sức của sinh viên Y kha. Cứ buổi sáng phải đi học tại bệnh viện, đi theo các anh chị, các bác sĩ, các điều dưỡng viên để học cách khám bệnh, cách tập chẩn đoán bệnh qua các triệu chứng, ai mà không học sẽ không bao giờ có thể trở thành thầy thuốc được.
Học lâm sàng ở bệnh viện là phải trực đêm, cứ khoảng 5 ngày đến 6 ngày sẽ phải trực bệnh viện một ngày, có những tuần trực hai buổi, mà khi đã trực là thức suốt đêm. Sinh viên Y khoa muốn học được lâm sàng tốt, cần phải có bệnh nhân cho thực hành và phải có thầy thuốc giỏi hướng dẫn, thiếu một trong hai điều này, không thể học lâm sàng tốt được.
Học lâm sàng cần chú ý, có nhiều bước mà sinh viên phải vượt qua từ hiểu đến làm được gồm có các bước: Học thuộc lòng thủ thuật, phẫu thuật mình sẽ làm.
Phải tích lũy được các kỹ năng, thủ thuật Y khoa
Học lâm sàng phải làm sao cho các thầy biết là mình biết làm thủ thuật đó, một lớp 50 sinh viên, thì thầy cô không thể biết hết được, cho nên phải là sinh viên nổi trội trong lớp, chăm chỉ học, và hiểu bài khi thầy kiểm tra. Khi đã tin tưởng, thường thì các thầy sẽ chỉ cho bí quyết từng động tác để có thể thực hiện chính xác các thủ thuật. Nếu may mắn sẽ được thầy cô cho phép làm dưới sự giám sát của thầy cô và sự ủng hộ của bệnh nhân điều trị. Sau vài lần giám sát nếu thấy học trò làm tốt, không mắc sai sót, thì các sinh viên ưu tú sẽ được giao cho những công việc nho nhỏ. Lâu dần như vậy, các sinh viên y khoa mới tích lũy được kỹ năng thực hiện các kỹ thuật y khoa.
Còn đối với những sinh viên không được làm thì sẽ chỉ là bác sĩ chữa bệnh trên giấy không có thực tế trên bệnh nhân thật, sẽ không thể thành công được, sẽ không ai dám giao tính mạng cho các thầy thuốc mới chỉ biết lý thuyết.
Trải qua nhiều năm thực hiện các kỹ thuật y khoa lâm sàng, các thầy thuốc tiếp tục phải đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, đọc sách cập nhật thông tin, tham khảo đồng nghiệp đi trước, ghi nhận phản hồi từ bệnh nhân điều trị, tất cả những điều đó mới kết tinh thành kỹ năng của thầy thuốc giỏi. Trong quá trình xây dựng hình thành kỹ năng y khoa của người thầy thuốc, thì sự thông minh chỉ là một loại phương tiện thôi nhé, còn niềm đam mê, cùng sự chặt chẽ trong tư duy, và cẩn trọng trong động tác và đức tính chăm chỉ mới là quyết định chính tạo lên một người thầy thuốc giỏi.